Bối cảnh Trận_Đại_Lăng_Hà

Về phía nhà Minh

Tháng giêng năm Sùng Trinh thứ 4 (1631) nhà Minh, lão thần Tôn Thừa Tông một lần nữa nắm giữ quân vụ của quan ngoại, sau khi giành lại 4 thành Vĩnh Bình một cách dễ dàng từ tay A Mẫn, đã quyết định lần thứ 3 đắp thành Đại Lăng Hà. Trước đó, nghe tin Viên Sùng Hoán bị bắt giam, Tổ Đại Thọ quay về Quan Ngoại, được Thừa Tông dạy dỗ, Sùng Hoán khuyên bảo, mới vào lại Quan Nội. Trong cuộc chiến thu hồi 4 thành Vĩnh Bình, lập được công lớn, đến tháng 7 đảm nhiệm việc đắp thành Đại Lăng Hà [3].

Viên Sùng Hoán từng 2 lần đắp thành này, nhưng Hoàng Thái Cực đều không để ông ta làm xong. Thành Đại Lăng Hà nay là thành phố Lăng Hải, xưa gọi là huyện Cẩm; sông Đại Lăng xưa gọi là Du Thủy, Long Xuyên, Bạch Lang Thủy, đời Liêu đổi gọi là sông Lăng hay Linh, sông Đại Lăng. Sông dài 398 km, là then chốt giao thông nối liền vùng Đông bắc với Trung Nguyên: nước Tề bắc phạt Sơn Nhung, Tiền Yên vào giành Trung Nguyên, Bắc Tề tấn công Khiết Đan, Tùy - Đường bình định Cao Ly, đều lấy Đại Lăng Hà cốc làm con đường chính để hành quân [4].

Vị trí của thành phố Lăng Hải cách Cẩm Châu về phía đông hơn 30 dặm, là phòng tuyến trọng yếu che chắn cho Cẩm Châu. Ninh Viễn – Cẩm Châu là bình phong của Sơn Hải Quan, Hậu Kim muốn tấn công nhà Minh thì vượt qua Sơn Hải Quan là con đường ngắn nhất, nghĩa là cần phải hạ được Ninh ViễnCẩm Châu. Muốn hạ được Cẩm Châu, thì thành Đại Lăng Hà không thể tồn tại. Từ khi Viên Sùng Hoán lên nắm quyền ở Liêu Đông, Minh – Kim kịch liệt tranh giành 2 thành Đại, Tiểu Lăng Hà, bên xây bên phá [5].

Về phía Hậu Kim

Trước cuộc tập kích Bắc Kinh vào năm Thiên Thông thứ 3 (1629), Hoàng Thái Cực mượn danh nghĩa quan tâm đến sức khỏe của anh trai, xóa bỏ chế độ hằng tháng luân phiên chấp chính của Tứ Đại Bối lặc (Đại Thiện, A Mẫn, Mãng Cổ Nhĩ Thái và Hoàng Thái Cực) mà Nỗ Nhĩ Cáp Xích đặt ra. Hoàng Thái Cực phỏng theo quan chế nhà Minh, đặt ra Lục bộ, lấy những Bối lặc trẻ tuổi đảm nhiệm. Quan viên Lục bộ đặt sự lãnh đạo trực tiếp của Đại Hãn. Cuộc tập kích không đạt được mục đích cuối cùng là Bắc Kinh, nhưng giành được một lượng lớn nhân khẩu và tài sản, tăng cường rất nhiều cho quốc lực [2]. Những người phản đối cuộc tập kích này là Đại Thiện và Mãng Cổ Nhĩ Thái đều phải im lặng, tạo điều kiện cho Hoàng Thái Cực đoạt quyền và giam cầm A Mẫn vì tội để mất 4 thành Vĩnh Bình và tàn sát thường dân (trong đó có một phần là vì Đại Thiện và Mãng Cổ Nhĩ Thái cũng muốn triệt hạ A Mẫn). Hoàng Thái Cực đã tiến những bước vững chắc trên con đường thâu tóm quyền lực của chính quyền Hậu Kim.

Mặt khác, hành động này đã làm bộc lộ sự yếu kém của vương triều nhà Minh, xóa tan ám ảnh của quân Bát Kỳ về trận thua Ninh - Cẩm, củng cố quyết tâm thôn tính Trung Nguyên của Hoàng Thái Cực. Với việc trọng trấn quân sự Đại Lăng Hà được xây dựng, Hoàng Thái Cực lập tức điều động đại quân, tổ chức tấn công.

Liên quan